1. Xu thế phát triển của vận tải trong ngành logistics Việt Nam
Theo dự báo số liệu của công ty dữ liệu và phân tích GlobalData tháng 03/2020, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt 17,3 tỷ USD vào năm 2023, tăng trưởng mạnh 16,3% so với mức 9,4 tỷ USD năm 2019. Những con số này cho thấy tiềm năng lớn của ngành thương mại điện tử, kéo theo những thay đổi về thói quen của người tiêu dùng khi chuyển sang mua sắm trực tuyến. Nhờ vào sự phát triển của mô hình kinh doanh mới này, vận tải trong ngành logistics cũng được tiếp cận với những cơ hội mới phát triển mới nhằm thích ứng nhanh với nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng.
Cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào LOGISTICS nước ta bằng hình thức M&A (Mua bán và sáp nhập) ngày càng nhiều. Trong năm 2019, tập đoàn đầu tư Symphony International Holdings đã mua lại 28,57% cổ phần của CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (Indo Trans Logistics Corporation – ITL Corp) từ Singapore Post với tổng giá trị lên đến 42.6 triệu USD, SSJ Consulting trở thành cổ đông lớn thứ 2 của Gemadept bằng việc mua việc đăng ký mua 29.7 triệu cổ phiếu, tương ứng 10% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Gemadept.
Với chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam, các doanh nghiệp dịch vụ logistics có xu hướng đầu tư vào kho, trung tâm logistics và chuỗi cung ứng lạnh để phục vụ cho xu hướng tăng trưởng trong ngành thực phẩm chế biến và ngành dược phẩm, công nghệ.
2. Một số thách thức
Vận tải logistics VN là một ngành có đầy tiềm năng phát triển nhưng cũng đi kèm những thách thức không hề nhỏ. Trước hết phải kể đến chất lượng nguồn nhân lực và sự quản trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp với quy mô nhỏ, vốn ít, khả năng phát triển các ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics còn yếu kém cộng với nguồn nhân lực chưa được đáp ứng cao dẫn đến làm tăng chi phí các dịch vụ logistics của các doanh nghiệp, khiến cho sức cạnh tranh trở nên yếu kém hơn so với các đối thủ trong ngành, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày nay.
Thách thức thứ 2 cũng là một trong những nhân tố có tác động trực tiếp đến khoảng 40% chi phí dịch vụ logistics, đó là yếu tố giá nhiên liệu. Khi giá nhiên liệu tăng cao, chi phí vận tải tăng làm lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển giảm đáng kể. Ngoài khoảng 40% giá nhiên liệu, phí logistics còn lại phụ thuộc vào các chi phí khác như phụ phí cầu đường, phí kiểm tra chồng chéo, phí hồ sơ…
Cuối cùng, một trong những rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển ngành vận tải là nhóm thách thức về hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng và ứng dụng IT. Lưu lượng dịch chuyển hàng hóa ngày càng tăng nhưng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống cảng biển, kho bãi, đường sá chưa được mở rộng, nâng cấp và tự động hóa đã gây ra sự lãng phí lớn về tiềm lực phát triển của ngành, gián tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh so với các nước khác.
3. Hướng khắc phục cho vận tải trong ngành logistics Việt Nam
Trước những bất lợi được đề ra, Việt Nam nói chung và vận tải trong ngành logistics nói riêng cần có những giải pháp khắc phục để phát triển ngành dịch vụ logistics ở Việt Nam như:
3.1. Chính sách hoạt động
Nước ta cần hoàn thiện chính sách và pháp luật liên quan đến hoạt động logistics, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hải quan, cắt giảm các khoản phí, lệ phí sử dụng hạ tầng.
3.2. Chi phí logistics
Bên cạnh đó, chi phí logistics đang là rào cản lớn đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bởi cơ sở hạ tầng: giao thông, viễn thông và công nghệ thông tin. Vì vậy, cần phải nâng cấp hạ tầng giao thông, linh hoạt sử dụng các phương thức vận tải, đồng thời phát triển sàn giao dịch vận tải nhằm kết nối tốt nhất các chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, tạo cơ sở cho doanh nghiệp logistics Việt Nam tham gia vào nhiều hơn vào chuỗi cung ứng.
3.3. Nguồn nhân lực
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải mở rộng đào tạo mạng lưới đào tạo nhân lực trong ngành logistics để nâng cao hiệu suất hoạt động, cải thiện chất lượng, thương hiệu và uy tín trong ngành.
Có thể thấy, vận tải logistics là một trong những yếu tố quan trọng có sức ảnh hưởng lớn đến chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, để có thể tận dụng được những cơ hội phát triển của ngành vận tải mang đến, các doanh nghiệp cần phải cân nhắc, lựa chọn chiến lược đầu tư cho mảng dịch vụ vận chuyển hàng hóa trong chuỗi cung ứng hiện nay.